Bạn có thể bị bác tài xe ôm “chém đẹp” hôm nay nhưng mai sẽ được bác ấy cặp kè rủ nhậu. Bạn đói queo dọc đường? Mời vào ăn bữa cơm không tốn một xu
Cơ quan tôi có rất nhiều bạn bè người nước ngoài đến làm việc, có người một vài ngày, có người dăm bảy tháng, một vài năm. Thường trước khi chia tay thế nào chúng tôi cũng có một buổi tối bù khú với nhau và trong những câu chuyện không đầu không cuối ấy, họ bao giờ cũng dốc hết bầu tâm sự về tình yêu đối với đất nước Việt và con người Sài Gòn.
Chuyện về bác xe ôm,
Michael, một học giả người Canada đến thành phố làm việc và tạm trú tại khu Phạm Ngũ Lão. Ngay buổi sáng đầu tiên đi xe ôm đến Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Đinh Tiên Hoàng, quận 1, bác xe ôm rất dễ thương lấy 20 USD cho khoảng đường 3 km. Ngày thứ hai, bác tài lấy 50.000 đồng nhưng từ ngày thứ ba trở đi trong suốt 6 tháng, bác tài chỉ lấy có 40.000 đồng cho cung đường hai chiều. Michael rất ngạc nhiên về chuyện này nhưng chưa có dịp nào để hỏi. Ngạc nhiên hơn nữa là vào một buổi tối trước khi Michael về nước vài ngày, bác tài chở Michael đi dạo chơi khắp thành phố, sang cả Chợ Lớn, quận 6 nhưng không lấy một đồng nào, thậm chí còn mời Michael một chai bia 333 với cánh, chân gà nướng vỉa hè đường Trương Định thơm ngậy, cực ngon.
Vậy là sao? Cuối cùng thì câu trả lời là như vầy, ngày đầu tiên bác tài coi Michael là “khách một lần” nên có “chém” hơi bị nặng tay, về sau Michael được coi mối quen nên lấy giá như mọi người nhưng sau một thời gian dài bén hơi nhau, coi như là bạn và buổi tối nhậu miễn phí là cử chỉ thân thiện theo kiểu “tứ hải giai huynh đệ”, bác tài không nói chuyện tiền bạc nữa. Mà hình như chầu nhậu ấy bằng số tiền bác tài kiếm được ngày đầu tiên trừ đi 20.000 thì phải!
Chuyện về các dì ở tổ phát cơm miễn phí,
Alex, một chàng sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học Cali, đang học dở, bỗng nhiên anh chàng xin nghỉ một học kỳ, đùng đùng sang Việt Nam đi thực tế bằng tiền túi của mình. Việc sinh viên các nước phát triển đến nước khác khi túi chỉ có tiền đủ mua vé máy bay một chiều đi và một nắm tiền lẻ đủ cho mấy ngày sống lay lắt là chuyện bình thường. Alex cũng nằm trong diện như thế (xin mở ngoặc là sinh viên Việt Nam hiếm có ai đủ tự tin như thế, đi du học là phải có bà con nương tựa, trường bảo lãnh, bố mẹ gửi gắm kèm theo là nước mắt và một tài khoản đầy ăm ắp).
Nhưng có một điều chắc chắn là trước khi sang Việt Nam, như mọi Tây ba lô khác, Alex lên mạng nghiền ngẫm, tra cứu mọi ngóc ngách và rút ra kết luận là: Ở Việt Nam sẽ không bị chết đói. Đó là lý do mà chàng sinh viên người Mỹ cao lều khều, mắt xanh, da trắng, tóc vàng xuất hiện ở một ngôi chùa ở thành phố vào giờ mọi người đang tíu tít đóng gói cơm miễn phí chuyển đến các bệnh viện. Các dì, các chị thấy anh chàng đứng lơ ngơ không có việc gì bèn gọi vào phụ giúp, vậy là có việc làm và cố nhiên là có cơm ăn miễn phí. Thậm chí những từ tiếng Việt đầu tiên Alex cũng học được từ đây mà lại là những con số theo thứ tự 3, 2, 1, 1. Tức là lấy ba vá cơm, hai miếng đậu hũ, một gói nước chấm, một gói canh. Từ chỗ được các chị, các gì cưu mang mà anh chàng Tây này kiếm được việc làm, đi dạy tiếng Anh cho các tụ điểm, tham gia vào các chương trình ngắn hạn của các dự án nước ngoài.
Khi trong túi rủng rỉnh tiền, Alex đi thuê nhà ở hẳn hoi nhưng cứ lúc rỗi rảnh lại chạy đến chùa phụ giúp chia cơm. Ý định ban đầu chỉ ở vài ba tháng nhưng sau khoái chí, Alex ở lại hẳn một năm, học nói tiếng Việt từ bọn trẻ đường phố nên nói rất sõi, biết hết các ngóc nghách của thành phố. Sau khi trở về Mỹ, tốt nghiệp đại học xong, Alex lập tức quay ngay sang Việt Nam làm trong một tổ chức phi chính phủ, nghe đâu còn sắp lấy vợ Việt Nam, một cô giáo xinh như mộng.
Chuyện với các anh công an,
Kim, một anh chàng nghiên cứu sinh Hàn Quốc ngành Việt Nam học, rất gắn bó với Việt Nam và đã lấy được bằng tiến sĩ của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Những ngày đầu sang Việt Nam, Kim cũng bị nhiều phen hết vía vì máu phiêu lưu của mình.
Để tiết kiệm, Kim mua một con xe Vespa cổ lỗ sĩ giống như con vịt, phiền nỗi nó rất hay hỏng vặt do tình trạng “năm cha, ba mẹ”. Nhưng cũng nhờ cái xe cà tàng đó mà Kim khám phá được rất nhiều nơi. Có một lần anh ta chạy tuốt lên tận cửa khẩu Mộc Bài, mải chơi đến tối mịt mới về, loanh quanh sao đó anh ta lại bị lạc đường, đến khúc Tân Phú Trung thì xe giở chứng không chịu chạy nữa. Có lẽ nó hết hơi. Mấy anh thợ tay ngang ven đường dù rất cố gắng nhưng không sao làm cho nó nổ máy được. Bỏ lại cái xe thì tiếc mà thuê xe chở về thì không có tiền, đang lúc gần nửa đêm một mình lếch thếch dắt bộ thì Kim bị mấy anh công an tuần tra chặn lại nghi là... ăn trộm. Sau một hồi nói đủ thứ tiếng Hàn, Anh, Việt và cả bằng tay, hai bên tạm hiểu nhau. Chẳng biết mấy anh nói gì với nhau, rồi họ bốc cả Kim lẫn con vịt cồ lên xe jeep chạy thẳng một mạch. Kim hoảng quá tưởng bị bắt nhưng rồi cuối cùng các anh công an đưa Kim thẳng về nhà trọ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai.
Sau đận đấy Kim rất khoái Công an Việt Nam, mặc dù thỉnh thoảng vẫn bị phạt vì chạy sai đường. Kim bảo ở xứ Kim Chi, ngồi trên xe cảnh sát mà chạy xa thế thì chỉ có là tội phạm, còn thuê xe cẩu thì số tiền còn nhiều gấp trăm lần cái xe mà Kim đang xài, thậm chí tiền thuê chỗ trong bãi rác cũng mua được vài cái như thế.
Những chuyện này là bình thường với người Việt Nam nhưng thiệt là lạ với nước khác, bởi số người đến Việt Nam ngày càng nhiều nhưng số quay lại thì chẳng có bao nhiêu. Họ “giã biệt” có khi chỉ vì dịch vụ công và hành chính của xứ mình thiệt dở hết chỗ nói chứ tấm lòng dân Sài Gòn thì luôn gói gọn trong chữ: Tử tế!