Đừng nghĩ rằng mở toang cửa nhà như ở dưới quê mới là phóng khoáng, cởi mở. Người Sài Gòn luôn rộng mở tấm lòng và giúp người khác theo cách này hay cách khác mà thôi.
Đọc bài viết của bạn Song Ngọc tôi chẳng biết bạn ở Sài Gòn mà đã hiểu hết về nơi ở của mình chưa mà đã quy chụp này nọ về người Sài Gòn này nọ. Nếu nhận xét về một vấn đề thì cũng nên khách quan một chút, chớ để người ta bảo rằng “ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung”.
Tôi không phải là một người Sài Gòn, nhưng tôi cũng coi như mình là người Sài Gòn vì đây là nơi tôi muốn sống cả đời, dù nhiều người bảo là vùng đất “vô cảm”, “đụng nhau là chém giết” và ‘lơ khi thấy người gặp tai nạn”, rằng “ô nhiễm môi trường”....
Có thể nói Sài Gòn là vùng đất dễ kiếm sống nhất trong cả nước ta. Mưa thuận gió hòa, phố phường sầm uất, giao thương thuận lợi nên ai sống ở Sài Gòn hay vào Sài Gòn sống cũng không sợ đói. Vì vậy bạn có thể thấy rằng ngồi ở một quán tại Sài Gòn bạn lắc đến gần gãy cổ vì từ chối mua vé số của một đội quân bán vé số đủ già lẫn trẻ nhưng ở Hà Nội lại không thấy. Nhưng người Sài Gòn ngày càng nghi ngại về lòng người hơn do nạn chích hút ma túy càng tăng, dẫn đến tệ nạn xã hội nhiều nên người người đều cảnh giác. Điều đó là dễ hiểu.
Rồi thì sáng ai cũng đi làm, tối mù mịt mới về thì làm gì có thời gian gặp nhau để mà biết hàng xóm của mình làm gì, gốc ở đâu, nhà bên đó ra sao. Thế nhưng, tấm lòng người Sài Gòn luôn rộng mở. Chẳng thế mà mỗi khi bão lụt nhiều người dù không dây mơ rễ má gì với miền đất đang hứng chịu mưa bão kia vẫn ùn ùn đến các báo và mặt trận tổ quốc quận đóng góp tiền, của. Rồi thì các chương trình mùa hè xanh, xóa đói giảm nghèo, chủ nhật hồng...cũng không từ thành phố này ra là gì?
Bạn bảo rằng va quẹt rồi đâm chém nhau, chắc bạn không đọc báo nên không biết là nó xảy ra đều trên cả nước. Từ thành xuống quê đều có chuyện những anh hùng rơm sửng cồ cả. Thế nhưng chuyện đó thường xảy ra với đám thanh niên mới lớn, muốn chứng tỏ mình chẳng sợ ai và không có văn hóa, nói xin lỗi phải gọi đó là vô học mới đúng.
Còn người Sài Gòn có va quẹt, cãi cọ nhau vài câu rồi đi là thường. Chứ ở thành phố mà một mét vuông 8 chiếc xe máy như thế thì chuyện va quẹt ắt hẳn sẽ xảy ra như cơm bữa, ai cũng chém nhau thì loạn mất rồi, có đâu mà người tứ xứ lại muốn lên kiếm sống.
Việc bảo rằng lơ đi trước tai nạn giao thông do người chứng kiến sợ bị các cơ quan công quyền hành xác, mời lên mời xuống làm chứng các kiểu này nọ mà thôi. Còn dù giúp người khác dễ bị hiểu lầm là gây tai nạn cho người đó, bị bệnh viện níu áo bắt đóng viện phí nhiều người vẫn vô tư giúp.
Cách đây mấy năm, đứa em sinh viên của tôi quê ở Bình Thuận vô Sài Gòn học, một hôm đi đường thấy một thanh niên sùi bọt mép vội kêu taxi đưa anh này vào bệnh viện. Trả tiền taxi, trả tiền viện phí này nọ xong bác sĩ khám bảo gã này lên cơn nghiện mà thôi. Mới đây, người nhà em tôi bị tai nạn, một thanh niên cũng vội vàng giúp em đưa người nhà vào bệnh viện trên xe taxi.
Trong lúc nguy cấp cậu em tôi chỉ lo cho người nhà, đến hồi sực nhớ ra muốn cảm ơn thì thanh niên nọ đã trả tiền taxi xong rồi đi mất. Họ cũng là người Sài Gòn đó thôi!
Đừng nghĩ rằng mở toang cửa nhà, thịt con gà mái mơ đang ấp để đãi khách như ở dưới quê mới là phóng khoáng, cởi mở. Hay so sánh Sài Gòn xưa với nay thế này thế nọ rồi nói Sài Gòn biến chất. Mỗi thời mỗi khác. Cũng như thời của ta đã khác với thời của cha mẹ ta. Người Sài Gòn luôn rộng mở tấm lòng và giúp người khác theo cách này hay cách khác mà thôi. Ở lâu mới hiểu được cái tình của người Sài Gòn đó bạn.
Nguồn: NgườiLaoĐộng.com.vn
Tag: Người Sài Gòn, nguoi sai gon, hieu nguoi sai gon, nguoi sai gon chat phat
No comments:
Post a Comment